Tại Diễn đàn, ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Đảng là phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Quá trình phát triển năng lượng được nhận đình còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư. Hệ thống lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng còn lớn. Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp, sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả. Phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.
Chính vì vậy, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Ngô Đông Hải cho rằng, bên cạnh hệ thống giải pháp đồng bộ, cần quan tâm đến một số vấn đề:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phải gắn chặt với những chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đại hội lần thứ XII của Đảng
Thứ hai, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thứ ba, quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Cụ thể, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu sẽ có tác động mạnh đến chính sách giá năng lượng, xóa bỏ độc quyền…
Thứ tư, phát triển ngành năng lượng phải gắn với thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Cần khoảng 148 tỷ cho phát triển nguồn và lưới điện từ 2016-2030
Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia được Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương công bố, dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng theo nhiên liệu, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam năm 2020 khoảng 71,337 KTOE, tăng lên 137,834 KTOE vào năm 2035.
Tổng công suất đặt các nhà máy điện trong hệ thống sẽ đạt mức 103,7 GW (2025); 133,1GW (2030); 168,5GW (2035). Điện năng sản xuất trong kịch bản cơ sở sẽ tăng tương ứng 338 TWH; 551 TWh; 741,6 TWh vào các năm 2025; 2030; 2035.
Theo ông Phan Thế Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng, với mức dự báo giá nhiên liệu cập nhật, các nguồn tài nguyên khí, than, dầu thô sẽ được huy động hết, thiếu hụt sẽ được bù đắp bởi than và khí LNG nhập khẩu.
Các dự án chính dầu khí đều được thực hiện, đặc biệt là các dự án lọc dầu, các dự án đều vào trong giai đoạn quy hoạch trừ Dự án Nhơn Hội lùi lại đến 2029.
Các dự án theo Tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh đến 2030, giai đoạn từ 2031 trở đi phần điện hạt nhân sẽ được bù đắp bởi than, LNG nhập và điện gió…
Theo tính toán, tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 khoảng 40 tỷ USD. Giai đoạn 2021-2030 khoảng 108 tỷ USD.
Phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng.
Ông Trần Đình Thiên dẫn chứng, đơn cử như ngành nông nghiệp được xem là ngành tiêu tốn ít năng lượng nhưng thực tế không phải vậy.
Việt Nam đang duy trì, phát triển nền nông nghiệp chạy theo sản lượng. Mỗi tấn gạo chất lượng cao có thể bán giá bằng 10 tấn gạo chất lượng thấp. Nhưng để sản xuất ra 10 tấn lúa gạo chất lượng thấp đó, Việt Nam phải tiêu tốn nhiều hơn các loại nguyên liệu đầu vào như diện tích đất trồng, nước, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bơm nước, xay xát, chuyên chở…
Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn tài nguyên, tiêu tốn năng lượng ô nhiễm môi trường… Hiện lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%...
Ông Thiên cũng cho rằng, Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng. Do vậy, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”.
Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí…
Điểm mấu chốt để giải quyết chiến lược, theo ông Trần Đình Thiên, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế trung ương cần đặt Chiến lược Phát triển nhiệt điện than trong tổng thế chiến lược cơ cấu ngành để giải quyết. Nếu còn tách rời khả năng giải quyết một cách thuyết phục sẽ khó khăn.
Nhìn bài toán năng lượng phải từ hai phía, nghĩa là hướng tới thị trường năng lượng minh bạch, đầy đủ. Đi cùng với đó cũng phải tính đến yếu tố giá tiêu thụ năng lượng như thế nào. Đây là bài toán còn gây nhiều trăn trở. “Cần phân định nhiệm vụ công ích với chiến lược phát triển để có chiến lược phù hợp hơn”, ông Ngô Đông Hải nhấn mạnh. Việc xây dựng chiến lược quy hoạch năng lượng cần cân nhắc tới việc tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng từ phía cầu, đổi mới công nghệ phù hợp…
Trong chiến lược phát triển năng lượng song song với việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khai thách tiềm năng của đất nước gió, mặt trời thì chiến lược phát triển năng lượng truyền thống cũng rất quan trọng.
Nhiều chuyên gia tại diễn đàn cũng cho rằng, chiến lược năng lượng cần phải đặt trong chiến lược về công nghệ thì mới giải quyết được sự căng thẳng trong cung-cầu năng lượng. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành “cổ điển” tiêu tốn tài nguyên và năng lượng; hướng tới hệ thống năng lượng sạch và an toàn với trục chính là các nguồn năng lượng tái tạo.
Cần có yêu cầu nghiêm ngặt cho phát triển nhiệt điện than
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, để phát triển ngành năng lượng, trong thời gian qua Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch và phân ngành phát triển, như quy hoạch phát triển ngành than, điện và dầu khí… Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngành than và dầu khí đến 2030.
Để phát triển ngành năng lượng hợp lý và hài hòa, khai thác và sử dụng tối ưu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phát triển ngành năng lượng quốc gia chung với ba phân ngành than, điện, dầu khí, giai đoạn 2030 tính đến 2035. Hiện đã xây dựng xong và thời gian tới thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch này chưa được phê duyệt chính thức, chưa được thẩm tra nên số lượng báo cáo chưa được thống nhất, nhưng cũng thấy bức tranh tương đối đầy đủ của ngành, qua đó thấy rằng thời gian qua có nỗ lực lớn nhưng nhu cầu năng lượng của ta là rất lớn. Nếu quy đổi dầu 2015 – 2035 nhu cầu năng lượng cao là 4,79%, riêng ngành điện sử dụng điện tăng 8-10% cho giai đoạn 20 năm tới. Đây là thách thức lớn của ngành năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi yêu cầu và ràng buộc ngày càng chặt chẽ và minh bạch hơn. Để phát triển và đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh như vậy, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh tiết giảm nhiên liệu, mức tiêu hao nhiên liệu, đẩy mạnh quản lý để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn.
Hiện nay ta nói nhiều cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, internet vạn vật, nhưng ta vẫn phải đối mặt với vấn đề việc làm, tài chính… nên cần phải chuyển hướng ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Sử dụng ít năng lượng hơn nhưng vẫn phải sử dụng nhiều ngành nghề, sức lao động, công nghệ không lạc hậu nhưng chưa tiên tiến nên sử dụng năng lượng cao, nên việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm hơn là cần thiết.
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, tuy nhiên Thứ trưởng cho rằng cần triển khai nhiều hoạt động để làm sao trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm tiêu hao nhiên liệu. Bởi theo đánh giá sau 5 ban hành, kết quả đó còn khiêm tốn. Điều đó đòi hỏi cơ chế chính sách mạnh mẽ và phù hợp hơn nữa, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. “Chính sách quan trọng nhất là đưa giá năng lượng phản ánh đúng cơ chế, thị trường, tạo động lực đúng đắn thay đổi công nghệ và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Ngành điện là ngành có nhu cầu tăng trưởng cao, từ 8-10% nên để đáp ứng được thì phải tiếp tục đầu tư vào nguồn năng lượng truyền thống. Công suất hiện nay là 19.000 MW, kế hoạch tối đa chỉ 28.000 MW.
Minh chứng thêm cho điều này, Thứ trưởng Vượng cho rằng, các dự án thủy điện nhỏ và vừa và không phải dự án nào cũng thân thiện với môi trường, nhiều dự án đã tới hạn; dự án nhiệt điện khí và dầu sạch hơn than nhưng giá thành cao, nên các nguồn có giá rẻ như Nam Côn Sơn đã hết, theo tính toán giá khí đã đàm phán thì đến 2020 giá lên 9 – 10 cent, thậm chí còn cao hơn, nguồn khí của Việt Nam hạn chế không đủ nhu cầu cho phát triển năng lượng. Do đó từ năm 2021 đã phải nhập khẩu khí hóa lỏng từ cảng Thị Vải để bổ sung, với mức giá rất cao so với nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện than.
Nhiệt điện than mặc dù có quan ngại môi trường, nhưng đây là nguồn điện cần thiết phải có để đáp ứng nhu cầu phát triển. “Vấn đề là ta không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế nên phát triển nhiệt điện than thời gian tới có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, với nhà máy sử dụng công nghệ siêu giới hạn, nâng cao hiệu suất và chủ đầu tư đáp ứng giải pháp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, giải pháp sử dụng tro xỉ của nhà máy. Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng khác nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng” Thứ trưởng Vượng cho biết thêm.
Qua cơ chế chính sách thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ban hành cơ chế phát triển điện gió, điện sinh khối và gần đây là điện mặt trời. Vấn đề tới đây không phải có bao nhiêu Kwh điện mà giải tỏa để có nhiều nhà máy điện đưa vào vận hành. Song, Thứ trưởng cũng cho rằng, khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo đó là ràng buộc về kỹ thuật, bởi bản chất của năng lượng tái tạo là không ổn định, điện mặt trời và gió phụ thuộc điều kiện thiên nhiên; thứ hai là giá thành cao, chi phí đầu tư lớn. Vì không ổn định, cần có các nguồn khác dự phòng nên đẩy chi phí hệ thống lên cao hơn. Nếu tính đến năm 2030, cần bù cho chi phí cao của năng lượng tái tạo, đây là điều mà không phải nền kinh tế nào cũng đầu tư được. Chính vì vậy, chính sách thời gian tới đó là nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để giá điện của ta có thể được khách hàng chấp nhận được.
Để phát triển ngành năng lượng bền vững, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu cần có cách tiếp cận linh hoạt với cơ chế, điều chỉnh phù hợp tối ưu nhất, có các giải pháp năng lượng công nghệ với sự hợp lý về giá cả, để có cơ sở và điều kiện điều chỉnh chính sách phát triển, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: www.moit.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐỒNG THÁP Địa chỉ: Tầng 1, Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp Tỉnh, đường Lê Thị Riêng, Phường 1, Thành Phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp Điện thoại: Phòng NV-TH 02773851012; Phòng TVCN&TKNL 02773872776 Website: http://khuyencongdongthap.vn |