Theo Sở Công Thương, thông qua chương trình khuyến công, bước đầu hỗ trợ khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã tổ chức 28 lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi nghiệp cho 740 học viên là cán bộ quản lý điều hành các cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức 11 hội thảo, tập huấn theo chuyên đề với 935 đại biểu tham dự.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 05 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 109 cơ sở công nghiệp nông thôn. Các đề án khuyến công triển khai luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động.
Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 75 cơ sở tham gia với 79 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 06 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia.
Tổng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 là 95 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt là nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 là tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cùng với đó là tập trung hỗ trợ phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cơ sở, doanh nghiệp khởi nghiệp với các sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của các địa phương, các sản phẩm OCOP, làng nghề.